1. Khái niệm và đặc điểm nguyên liệu, vật liệu và công cụ, dụng cụ.

1.1. Khái niệm và đặc điểm của nguyện liệu, vật liệu.

Nguyên vật liệu là đối tượng lao động do doanh nghiệp mua ngoài hoặc tự chế biến, dự trữ, để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm.

– Các nguyên vật liệu sẽ thay đổi về hình thái, không giữ nguyên được trạng thái ban đầu khi đưa vào sản xuất.

– Các nguyên vật liệu tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh (một chu kỳ sản xuất kinh doanh).

– Toàn bộ giá trị của nguyên vật liệu được chuyển trực tiếp vào sản phẩm, là căn cứ cơ sở để tính giá thành.

1.2. Khái niệm và đặc điểm của công cụ, dụng cụ.

Công cụ, dụng cụ là những tư liệu lao động không đủ tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng quy định xếp vào tài sản cố định. Theo chế độ hiện hành, những tư liệu lao động có giá trị < 30.000.000 đồng, thời gian sử dụng ≤ 1 năm được xếp vào công cụ dụng cụ. Bởi vậy, công cụ dụng cụ mang đầy đủ đặc điểm như tài sản cố định hữu hình (tham gia nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh, giá trị bị hao mòn dần trong quá trình sử dụng, giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu đến lúc hư hỏng).

2. Phân loại nguyên liệu, vật liệu và công cụ, dụng cụ.

2.1. Phân loại nguyên liệu, vật liệu.

a) Căn cứ vào yêu cầu quản lý, nguyên liệu, vật liệu được chia thành các loại sau:

– Nguyên liệu, vật liệu chính: Là những loại nguyên liệu và vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất thì cấu thành thực thể vật chất, thực thể chính của sản phẩm. Vì vậy khái niệm nguyên liệu, vật liệu chính gắn liền với từng doanh nghiệp sản xuất cụ thể. Trong các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ… không đặt ra khái niệm vật liệu chính, vật liệu phụ. Nguyên liệu, vật liệu chính cũng bao gồm cả nửa thành phẩm mua ngoài với mục đích tiếp tục quá trình sản xuất, chế tạo ra thành phẩm.

– Vật liệu phụ: Là những loại vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất, không cấu thành thực thể chính của sản phẩm nhưng có thể kết hợp với vật liệu chính làm thay đổi màu sắc, mùi vị, hình dáng bề ngoài, tăng thêm chất lượng của sản phẩm hoặc tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm được thực hiện bình thường, hoặc phục vụ cho nhu cầu công nghệ, kỹ thuật, bảo quản đóng gói; phục vụ cho quá trình lao động.

– Nhiên liệu: Là những thứ có tác dụng cung cấp nhiệt lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm diễn ra bình thường. Nhiên liệu có thể tồn tại ở thể lỏng, thể rắn và thể khí.

– Vật tư thay thế: Là những vật tư dùng để thay thế, sửa chữa máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, công cụ, dụng cụ sản xuất…

– Vật liệu và thiết bị xây dựng cơ bản: Là những loại vật liệu và thiết bị được sử dụng cho công việc xây dựng cơ bản. Đối với thiết bị xây dựng cơ bản bao gồm cả thiết bị cần lắp, không cần lắp, công cụ, khí cụ và vật kết cấu dùng để lắp đặt vào công trình xây dựng cơ bản.

b) Căn cứ vào nguồn gốc, nguyên liệu, vật liệu được chia thành các loại sau:

– Nguyên liệu, vật liệu mua ngoài;

– Nguyên liệu, vật liệu tự chế biến, gia công.

c) Căn cứ vào mục đích và nơi sử dụng, nguyên liệu, vật liệu được chia thành các loại sau:

– Nguyên liệu, vật liệu trực tiếp dùng cho sản xuất, kinh doanh;

– Nguyên liệu, vật liệu trực tiếp dùng cho công tác quản lý;

– Nguyên liệu, vật liệu trực tiếp dùng cho các mục đích khác.